(Translated by https://www.hiragana.jp/)
Lịch Du – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Lịch Du

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghệ sĩ ưu tú
Lịch Du
Nghệ sĩ Lịch Du thời trẻ
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Đỗ Thị Lịch Du
Ngày sinh
(1940-02-06)6 tháng 2, 1940
Nơi sinh
Hưng Yên, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất
27 tháng 1, 2021(2021-01-27) (80 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội, Việt Nam
Giới tínhnữ
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp
Gia đình
Chồng
Quốc Hương (trước 1975)
Danh hiệuNghệ sĩ Ưu tú (1997)
Sự nghiệp điện ảnh
Đào tạoTrường Điện ảnh Việt Nam
Vai diễnLuông Chăn trong Hai người mẹ
Tác phẩm
Website

Lịch Du (6 tháng 2 năm 1940 – 27 tháng 1 năm 2021) là một diễn viên điện ảnh, nhà biên kịch Việt Nam. Bà được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1997.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghệ sĩ Lịch Du tên thật là Đỗ Thị Lịch Du, sinh ngày 6 tháng 2 năm 1940 ở thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.[1] Bà là con gái út trong một gia đình bảy anh chị em. Ban đầu, cha mẹ định cho bà sang Bắc Kinh học tập để vào làm cán bộ ở Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Nhưng vì ước mơ làm diễn viên mà bà đã bỏ về, một mình lên Hà Nội, ở nhà bạn, làm nghề đan len thuê, thùa khuyết đơm cúc áo cho các tiệm may.[2]

Trong một lần tham gia lớp học kịch, Lịch Du đọc được thông báo tuyển diễn viên và tham gia đợt thi tuyển đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam. Bà bị đánh trượt nhưng vẫn đỗ "vớt" nhờ thợ ảnh hôm đó (chuyên gia người Liên Xô[2]) khẳng định triển vọng nếu được đào tạo bài bản. Lịch Du trở thành sinh viên khóa đầu tiên (1959–1962) của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Sân khấu Điện ảnh), cùng khóa với Trà Giang, Hải Ninh, Ngọc Lan, Minh Đức,...[3]

Sau khi tốt nghiệp, Lịch Du gia nhập Hãng phim truyện Việt Nam. Năm 1966, bà bắt đầu sự nghiệp diễn xuất với bộ phim Bình minh trên rẻo cao của đạo diễn Trần Đắc và Nguyễn Đỗ Ngọc.[4] Từ đó cho đến năm 1975, bà tham gia hơn 20 bộ phim, nhưng chỉ có một lần vào vai chính Luông Chăn trong phim Hai người mẹ (1975) của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi.[5] Đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên làm về đề tài tình hữu nghị chiến đấu của hai nước ViệtLào.[6] Vai Luông Chăn được nhiều đạo diễn khen ngợi ở Liên hoan phim Việt Nam năm 1977, cũng là vai chính duy nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà.[2]

Sau một thời gian tham gia lồng tiếng cho phim, vào đầu những năm 90, nghệ sĩ Lịch Du chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh vì sự nghiệp của con gái, chuyển sang viết kịch bản. Từ năm 1992, một số kịch bản của bà được đạo diễn Hoàng Tích Chỉ chuyển thể thành phim. Thành công lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút của bà là Người Hà Nội, chuyển thể từ tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai.[3] Năm 1997, bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.[2]

Những năm cuối đời, bà trở lại Hà Nội, vào sống ở Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi, còn nhà thì cho thuê.[3][7] Ngày 27 tháng 1 năm 2021, nghệ sĩ ưu tú Lịch Du qua đời vì nhồi máu cơ tim.[8][9]

Cuộc sống cá nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghệ sĩ Lịch Du và ca sĩ Quốc Hương chung sống với nhau mà không có đăng ký kết hôn do bị gia đình bà phản đối vì chênh lệch tuổi tác. Hai người chỉ có thể tổ chức cưới "chui" với một bàn tiệc ở khách sạn Phú Gia.[2] Lễ cưới có sự góp mặt của Thứ trưởng Lê Liêm, nhà thơ Huy Cận, Thủ trưởng Xưởng phim truyện (cơ quan của bà Lịch Du) và Trưởng đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (cơ quan của ông Quốc Hương).[10] Hai người có một con gái tên là Dạ Hương. Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, hai người tự nguyện chia tay khi Quốc Hương vào Nam.[11]

Nghệ sĩ Lịch Du còn có hai cuộc hôn nhân khác nhưng đều đi đến chia tay.[2][9]

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Phim điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Phim Vai diễn Đạo diễn Ghi chú Nguồn
1964 Hai người lính Vũ Sơn
1966 Bình minh trên rẻo cao Vợ ông Ruôn NSND Trần Đắc [12]
1969 Lửa Thím Sáu NSND Phạm Văn Khoa
1971 Không nơi ẩn nấp Vợ Hai Dong NSND Phạm Kỳ Nam
1972 Vĩ tuyến 17 ngày và đêm Vợ Vệ NSND Hải Ninh [a]
1973 Bài ca ra trận Đội trưởng cáng thương NSND Trần Đắc [b]
Người về đồng cói Vị NSND Bạch Diệp
1975 Hai người mẹ Luông Chăn NSND Nguyễn Khắc Lợi [6]
1976 Đứa con nuôi Đào NSND Nguyễn Khánh Dư
1980 Đất mẹ Vợ Voòng Chăn NSND Hải Ninh
1984 Ngọn đèn trong mơ Mẹ Linh Đỗ Minh Tuấn
1986 Kỷ niệm đồi trăng Dung NSƯT Hà Văn Trọng
Cuộc chia tay không hẹn trước Vợ Trương Đồng NSND Bạch Diệp

Kịch bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phim đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần II năm 1973.
  2. ^ Phim đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994), tr. 95.
  2. ^ a b c d e f Thảo Duyên (16 tháng 5 năm 2010). “NSƯT Lịch Du: Nỗi cô đơn kiêu hãnh”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ a b c Trần Hoàng Thiên Kim (ngày 20 tháng 10 năm 2017). “Nghệ sĩ Ưu tú Lịch Du: Hồng nhan đơn độc”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2022.
  4. ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994), tr. 96.
  5. ^ Phan Bích Hà (2003), tr. 22.
  6. ^ a b Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 276.
  7. ^ Tình Lê (ngày 23 tháng 3 năm 2018). “Cuộc sống cô đơn ở viện dưỡng lão của diễn viên 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm'. Báo VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2022.
  8. ^ “NSƯT Lịch Du qua đời”. Báo VietNamNet. ngày 30 tháng 1 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2022.
  9. ^ a b Hà Tùng Long (ngày 30 tháng 1 năm 2021). “NSƯT Lịch Du qua đời vì nhồi máu cơ tim”. Báo Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2022.
  10. ^ Tân Linh (ngày 4 tháng 10 năm 2009). “Ca sĩ Quốc Hương: Đắng cay trong huyền thoại”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2022.
  11. ^ Vương Tâm (ngày 18 tháng 3 năm 2021). “NSND Quốc Hương: Với những bản "Tình ca" cháy bỏng”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2022.
  12. ^ Lê Minh (1995), tr. 118.
  13. ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994), tr. 97.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]