Bồi đắp ở Trường Sa: '2024 sẽ là năm kỷ lục của Việt Nam'

Sự biến đổi của đảo Trường Sa Lớn: ảnh trái chụp năm 2011 và ảnh phải là của Google Maps năm 2024
Chụp lại hình ảnh, Sự biến đổi của đảo Trường Sa Lớn: ảnh trái chụp năm 2011 và ảnh phải là của Google Maps năm 2024

2024 sẽ là năm bồi đắp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, theo một báo cáo mới được công bố.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được công bố vào ngày 7/6 cho biết trong sáu tháng qua, Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp những tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, với diện tích đất được bồi đắp gần bằng tổng hai năm trước đó (tức năm 2022 và 2023) cộng lại.

Theo AMTI, nếu như ba tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc là đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập thì bốn tiền đồn xếp tiếp theo đều là những bãi đá mới được bồi đắp của Việt Nam.

AMTI nhận định với tốc độ này thì Việt Nam sắp ghi nhận một năm kỷ lục về diện tích bồi đắp đảo trong 2024.

Bãi Thuyền Chài 'vẫn là tiền đồn lớn nhất'

Bãi Thuyền Chài

Nguồn hình ảnh, CSIS/AMTI/MAXAR TECHNOLOGY

Chụp lại hình ảnh, Theo AMTI, bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam. Ảnh bãi Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 11/5, do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) công bố

Theo thống kê của AMTI, tính đến tháng 11/2023, Việt Nam đã tạo thêm được diện tích đất là 692 mẫu Anh (tương đương 2,8 km2) với tổng cộng 10 thực thể.

Tính trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã bồi đắp được diện tích 404 mẫu Anh (tương đương 1,6 km2) và 342 mẫu Anh (tương đương 1,38 km2) trong năm 2022.

Ngày 10/6, nhận định với BBC News Tiếng Việt, nhà nghiên cứu độc lập Song Phan từ Sydney cho biết:

"Có lẽ nhân lúc Trung Quốc đang bận căng thẳng với Philippines ở bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough, Sandy Cay... còn Malaysia khá lơ là nên Việt Nam đã tăng tốc việc tôn tạo và bồi đắp, đặc biệt là ở bồi đắp ở bãi Thuyền Chài, nơi có tiềm năng bồi đắp thành một đảo nhân tạo lớn và tương đối tách biệt ở về phía nam các đảo nhân tạo của Trung Quốc."

Theo AMTI, bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam, có diện tích bồi đắp tăng gần gấp đôi tính trong 6 tháng, từ 238 mẫu Anh (tương đương 0,9 km2) lên 412 mẫu Anh (tương đương 1,66 km2).

Báo cáo của AMTI có nội dung về bãi Thuyền Chài như sau:

"Thực thể hiện có chiều dài 4.318 mét và trở thành tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng có một đường băng dài 3.000 mét giống như Trung Quốc đã có tại đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi.

"Hiện đường băng duy nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa dài 1.300 mét, nằm trên đảo Trường Sa (thường gọi là Trường Sa Lớn). Dù kích thước đường băng này đủ cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng để phục vụ mục đích vận chuyển quân sự quy mô lớn, hoặc cho máy bay do thám, máy bay ném bom cất cánh và hạ cánh thì phải có đường băng dài 3.000 mét."

Nhà nghiên cứu độc lập Song Phan cho biết thêm nhận định của ông về bãi Thuyền Chài.

"Lưu ý Thuyền Chài là một đảo đá trên một rạn san hô vòng dài 29,3 km và chỗ rộng nhất 3,5 km mà Việt Nam đã đóng quân hồi tháng 4/1978 và đóng quân liên tục trên ba tiền đồn trên đó từ năm 1987. Bãi này cùng đảo An Bang do Việt Nam đang đóng quân đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia."

Theo AMTI, Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng máy nạo vét hút cắt (CSD) và máy nạo vét vỏ sò để thực hiện việc mở rộng và bồi đắp. Trong đó, loại máy CSD được dùng nhiều tại các khu vực được bồi đắp ở bãi Thuyền Chài.

Ngày 10/6, trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation (Đài Loan) đánh giá nhìn chung các đảo và bãi cạn mà Việt Nam bồi đắp chủ yếu phục vụ cho mục đích dân sự, đặc biệt là hỗ trợ ngư dân trong các tình huống khẩn cấp (như cứu hộ, cứu nạn khi có bão), thay vì hướng đến mục đích quân sự.

"Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rất rõ về sự chênh lệch trong cán cân quân sự với Trung Quốc, bao gồm cả năng lực tác chiến trên biển. Do đó, sẽ là không thuyết phục khi cho rằng Việt Nam đang 'cạnh tranh' với Trung Quốc trong việc bồi đắp các thực thể ở Biển Đông."

"Bên cạnh đó, các hoạt động của Việt Nam nhằm phục vụ cho mục đích phòng thủ và giúp Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận với các vùng biển mà quốc gia này tuyên bố có chủ quyền. Đương lúc quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cũng như các cường quốc trong khu vực (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ) tiến triển tốt đẹp thì Việt Nam rất chú ý đến việc gìn giữ các thực thể ở Biển Đông, và việc bồi đắp này rất có thể là nỗ lực để triển khai các biện pháp phòng thủ và bảo vệ như đã nêu," chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định.

'Khoảng bằng 50% diện tích bồi đắp của Trung Quốc'

Cấu trúc trên đảo Nam Yết vào ngày 15/5

Nguồn hình ảnh, CSIS/AMTI/MAXAR TECHNOLOGY

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam tiến hành bồi đắp tại đảo Nam Yết. Hình ảnh đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 15/5 do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) công bố

AMTI đưa ra thống kê so sánh Việt Nam đã bồi đắp diện tích tổng cộng khoảng 2.360 mẫu Anh (tương đương 9,5 km2) ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, tức khoảng 50% so với tổng diện tích mà phía Trung Quốc đã bồi đắp là 4.650 mẫu Anh (tương đương 18,8 km2).

Đây là một thay đổi quan trọng nếu so với ba năm trước đây, tổng diện tích bồi đắp của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh (tương đương 1,3 km2), chưa bằng 1/10 tổng diện tích bồi đắp của Trung Quốc, theo AMTI.

Nhà nghiên cứu độc lập Song Phan đánh giá với BBC News Tiếng Việt như sau:

"Lợi ích của việc tôn tạo đảo có sẵn và bồi đắp đảo nhân tạo từ thực tế trước mắt của Trung Quốc là không những cải thiện điều kiện sinh hoạt, phòng vệ tại chỗ mà còn củng cố về chủ quyền, an ninh quốc phòng, tuần tra kiểm soát biển, phục vụ ngư dân và có thể hứa hẹn khai thác du lịch..."

"Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông 7 đảo nhân tạo, trong đó có 3 đảo từ những thể địa lý có phần nổi lên trên mặt biển khi triều cao có diện tích rất bé và 3 đảo từ những bãi triều thấp (LTE) chỉ nổi lên mặt biển với diện tích cũng không đáng kể khi triều thấp."

"Trong số 3 đảo từ những bãi triều thấp (LTE), có Vành Khăn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và cách xa các đảo nổi khác, theo luật biển quốc tế chỉ được coi là phần của đáy biển chứ không đòi sở hữu được còn Xu Bi thì có thể nằm trong lãnh hải của đảo nổi Thị Tứ hay Loại Ta (hiện đều do Philippines chiếm đóng)."

Theo AMTI, Việt Nam đã bắt đầu việc xây dựng những cơ sở đầu tiên cho các tiền đồn của mình. Những điểm đáng chú ý bao gồm việc hoàn tất một cầu đỡ tàu trên đảo Nam Yết và một cảng mới ở đảo Trường Sa Đông.

Trong một bài ý kiến đăng trên The Manila Times ngày 10/6, nhà báo Philippines Rigoberto D. Tiglao viết về điều mà ông coi là "mối đe dọa từ Việt Nam qua bồi đắp đảo".

Ông viết:

"Tôi chắc là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., bộ trưởng quốc phòng và cả người phát ngôn của Tuần duyên chưa hề hay biết gì về mối đe dọa từ Việt Nam, bởi họ chưa từng nói gì về điều đó nhưng lại nói rằng đấy chỉ là chiêu tuyên truyền của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng sự quan tâm khỏi trò 'bắt nạt' của Trung Quốc".

Nhà báo này cũng đồng thời lên án ông Antonio Carpio, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines:

"Cựu Thẩm phán Antonio Carpio, người có vợ Việt Nam, người chống Trung Quốc xuất sắc, chưa bao giờ từng chỉ trích việc Việt Nam phớt lờ những tuyên bố của chúng ta [Philippines] đối với quần đảo Trường Sa".

Bài viết của nhà báo Rigoberto D. Tiglao, cựu phát ngôn viên tổng thống Philippines (thời bà Gloria Macapagal-Arroyo), phần nào cho thấy luồng ý kiến chỉ trích hành động bồi đắp đảo của Việt Nam và một sự rạn nứt giữa Việt Nam và Philippines có thể được Trung Quốc lợi dụng.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, tờ Inquirer của Philippines tường thuật lại nhận định của các học giả tại một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những "hoạt động cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tiến sĩ Lori Forman từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) nói rằng sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa.

tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc đối đầu

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam và Trung Quốc đã và đang có nhiều căng thẳng trên Biển Đông. Ảnh tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung Quốc đối đầu vào ngày 15/5/2014 liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981

Hồi tháng 5, Quốc Quan Trí Khố (Grandview Institution), một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đưa ra cảnh báo rằng, với hành động bồi đắp ồ ạt, Việt Nam đang làm tăng rủi ro xung đột với láng giềng khổng lồ phương bắc.

"Từ năm 2022 đến 2023, Việt Nam đã bồi đắp vùng đất đáng kể trên các hòn đảo và đá san hô chiếm đóng trái phép trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc," theo Báo cáo Tình trạng An ninh Biển Đông 2023 của Grandview.

Truyền thông Việt Nam ngày 16/5 đã trích dẫn ý kiến chuyên gia gọi nhận định của Viện Grandview là "vu cáo, bóp méo sự thật".

Cụ thể, báo Thanh Niên dẫn ý kiến của Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: "Đánh giá của Grandview Institution bỏ qua lịch sử của khu vực này và tuyên truyền thông tin sai sự thật."

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation cho rằng mục đích bồi đắp của Trung Quốc là trái ngược với Việt Nam.

"Trái với Việt Nam, Trung Quốc 'phủ sóng' các đảo nhân tạo ở Biển Đông để phục vụ cho mục đích quân sự, khai thác các nguồn lợi thủy sản, tìm kiếm và khai thác các nguồn lợi dầu mỏ, tiếp nhiên liệu cho các giàn khoan, và thu thập thông tin tình báo. Với Trung Quốc, khi khía cạnh quân sự và kinh tế được ưu tiên thì những cân nhắc về môi trường và hệ sinh thái ở vùng biển này sẽ đóng vai trò thứ yếu."

"Một 'Vạn Lý Trường Thành' mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông không chỉ giúp cường quốc này leo thang căng thẳng mà còn khiến hệ sinh thái ở vùng biển này tổn thương nghiêm trọng, gây thiệt hại về lâu dài cho các quốc gia trong khu vực," Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhấn mạnh.

Căng thẳng Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông gần đây nhất là vụ tàu Hải Dương 26 của Trung Quốc hoạt động khảo sát ở vùng biển Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối vào ngày 6/6, yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép" của tàu Hải Dương 26.

Hiện Việt Nam đang đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thường niên của Trung Quốc, ban hành từ năm 1999 đến nay, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/9.

Việt Nam thường xuyên lặp lại lời phản đối lệnh cấm này của Trung Quốc, gọi đây là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và tuyên bố lệnh cấm "không có giá trị".