(Translated by https://www.hiragana.jp/)
Tần Mật – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Tần Mật

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tần Mật
Tên chữTử Sắc
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
thế kỷ 2
Nơi sinh
Miên Trúc
Mất226
Giới tínhnam
Nghề nghiệpchính khách
Quốc tịchThục Hán

Tần Mật (はた宓, mất năm 226), tự là Tử Sắc là một đại thần nhà Quý Hán (Thục Hán) thời Tam Quốc.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tần Mật người Miên Trúc, quận Quảng Hán. Ông học giỏi từ nhỏ, nhiều lần được triệu ra làm quan nhưng đều chối từ. Trong thư gửi cho Thị trung tòng sự Vương Thường, Tần Mật viết "Lấy an phận làm vui, lấy vô lo làm phúc, coi danh như hão huyền trống rỗng, giữ mình như con rùa không thông tỏ sự đời chỉ mong hiểu lấy chính mình, coi bản thân là quý."[1]

Tần Mật từng tiến cử danh sĩ Nhậm An cho Lưu Biểu. Sau này khi Gia Cát Lượng hỏi về phẩm cách của Nhậm An, Tần Mật trả lời "Nhớ tài của người, quên lỗi của người."[1]

Nho sinh Lý Quyền thích đọc Chiến quốc sách, nói rằng một người cần phải tìm đọc nhiều kiến thức. Tần Mật không đồng ý, cho rằng Chiến quốc sách chỉ toàn nói về những quỷ kế nhỏ nhen, ích kỉ, phản phúc, không đáng học. Người ta đọc sách, viết sách để giữ lẽ phải, đạo đức, còn những loại sách vở ghi những điều trái với đạo trời thì người hiền không nhìn đến.[2] Có người phê phán Tần Mật rằng nếu muốn làm ẩn sĩ như Hứa Do, Sào Phủ thì không nên phô bày văn tài ra ngoài, ông bèn trả lời rằng bản thân mình không có tài văn chương gì để khoe cả, chỉ dùng văn chương để truyền bá và minh hoạ cho đạo đức lễ giáo mà thôi.[3]

Sau khi Lưu Bị chiếm Ích Châu, sai Thái thú Quảng Hán là Hạ Hầu Toản mời Tần Mật ra làm quan, bái xưng làm Trọng Phụ. Toản chưa biết tài năng của Mật cũng như của nhân sĩ Ích Châu, mới hỏi "Trọng Phụ thì như thế nào ?" Tần Mật liền trình bày tường tận địa lý, lịch sử Ích Châu, rồi kết luận: "Như vậy há phải châu tầm thường này là nơi bờ ruộng. Minh phủ [Hạ Hầu Toản] lấy ý cao nhã thử luận xem có theo kịp với các châu khác chăng ?"[1] Hạ Hầu Toản nghe thế, đuối lý không biện bác được. Sau đó Mật được bổ nhiệm làm Tòng sự Tế tửu.

Năm 221, Lưu Bị phát binh đánh Đông Ngô. Tần Mật cố can gián, Lưu Bị không nghe, bắt giam vào ngục, sau được khoan hồng thả ra. Quả nhiên Lưu Bị đại bại ở trận Di Lăng, phải lui về thành Bạch Đế rồi mất ở đó vào năm 223.

Năm 224, Thừa tướng Gia Cát Lượng lĩnh chức Ích Châu mục, bổ nhiệm Tần Mật làm Biệt giá, sau làm Trường thủy Hiệu uý. Đông Ngô sai Trương Ôn sang Thục giao hảo, lúc về nước bá quan đều đến tiễn, chỉ có Tần Mật đến muộn, Gia Cát Lượng phải cho người đến thúc giục. Trương Ôn muốn thử Tần Mật, bèn đặt ra nhiều câu hỏi khó, Mật đều biện bác trôi chảy, khiến Ôn rất kính phục.[4]

Sau Mật được thăng làm Đại Tư mã, rồi mất vào năm Kiến Hưng thứ tư (226).

Trần Thọ trong Tam quốc chí nhận xét: "Tần Mật lúc đầu ưa chuộng lẽ cao quý tránh đời mà không phải thật thà như kẻ ngu hèn, sau cách đối đáp đặc biệt còn để lại, văn chương hào tráng mỹ lệ, có thể gọi là bậc tài danh một thời vậy."[1]

Nghiên cứu lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tần Mật từng xem sách Đế hệ, rồi luận rằng chuyện Ngũ Đế cùng một tộc là không hợp lý. Lại giải thích chuyện Hoàng Đế, bá vương nuôi rồng rất rành rẽ mạch lạc.

Tần Mật cũng nghiên cứu Kinh Xuân thu, Tiều Chu có đến xin chép lại kiến giải của Mật nhưng không được, vì vậy hầu hết công trình của Tần Mật đều thất truyền.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tam quốc chí. Trần Thọ. Bùi Tùng Chi chú thích. Biên dịch: Bùi Thông. Tập 2: Thục thư. Tần Mật truyện.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Trần Thọ. Sách đã dẫn.
  2. ^ Trần Thọ. Sách đã dẫn. Lúc trước Lý Quyền theo Mật khen ngợi Chiến Quốc sách. Mật nói: "Chiến Quốc tung hoành thì có tác dụng gì?" Quyền nói: "Trọng Ni, Nghiêm Bình tụ tập các loại thư tịch, làm thành Kinh Xuân Thu, Sách Chỉ Quy. Biển vì hội tụ các sông mà hoá ra vĩ đại, người quân tử vì kiến thức sâu rộng mà thành cao cả." Mật đáp rằng: "Thư tịch không phải sử ký đời Chu, Trọng Ni không ngó đến; Đạo mà trái với lẽ hư vô của tự nhiên, Nghiêm Bình chẳng xiển dương. Biển vì hưởng được sự ứ đọng mỗi năm một bát ngát xanh trong. Bậc quân tử kiến thức quảng bác thì điều phi lễ không nhìn. Nay Chiến Quốc Sách (chỉ có) phương kế phản phúc của Nghi, Tần giết người để mình sống, bỏ người để mình còn, đố kỵ tầm thường. Trước đây Khổng Tử phát giận lên soạn ra Kinh Xuân Thu, quan trọng nhất là để giữ lẽ phải, lại soạn Hiếu Kinh, quảng bá trình bày những việc làm đạo đức. Ngăn chặn dần dần, đề phòng sự việc (xấu) phát sinh, dự đoán trước cách đè nén, nhờ đó các ngành họ cổ cắt đứt hoạ hoạn ở lúc chưa thành hình, há không tin tưởng được chăng. Thành Thang là bậc thánh minh, nhìn thấy con cá ngoài đồng hoang mà biết việc săn bắt có được mất. Định công là người hiền đức, thấy nữ nhạc mà quên công việc triều chính, hoặc là (những chuyện) giống như vậy, nhờ đó có thể tuyên dương những điều tốt đẹp. Đạo gia pháp viết rằng: Không thấy sự ham muốn, khiến cho lòng không loạn! Âý là cố lấy chính đính xét soi trời đất, lấy ngay thẳng làm rạng rỡ nhật nguyệt. Thẳng như tên bắn mới là hành vi của người quân tử. Khuôn mẫu ghi lại tai hoạ chủ yếu phát sinh từ lời lẽ vỏ ngoài, hà huống cái quỷ quyệt ở bên trong của Chiến quốc sách vậy thay!
  3. ^ Trần Thọ. Sách đã dẫn. Mật đáp rằng: "Kẻ hèn này văn chương không thể nói hết lời, lời không thể tỏ hết ý, làm gì có văn chương mà phô bày! Xưa Khổng Tử ba lần yết kiến Ai công, lời nói ghi thành bảy quyển, sự việc đại khái không ai có thể cười cợt được, Tiếp Dư vừa đi vừa hát, bàn luận chuyện nhà mà làm sáng tỏ chính sự; Ngư Phụ tả làn sóng trong xanh mà soi rõ văn chương người hiền đức. Hai người này cũng có mong cầu gì với thế thời đâu. Con hổ đẻ ra đã có vằn lồ lộ. Con phượng sinh ra cũng có sẵn năm màu. (Con hổ) há lấy được năm màu (của con phượng) mà che đậy được tai hoạ hay sao? Đó là thiên tính tự nhiên thôi. Dấu ấn Lạc, nhờ văn mà hiện lên, Lục Kinh do văn mà phát xuất, người quân tử bởi văn đức mà được ngợi khen, sao phải hao tổn (trí lực) mà chọn lọc trang điểm! Kẻ hèn này vốn dốt nát nhưng cũng lấy làm xấu hổ với lầm lẫn của Cách Tử Thành, có lẽ nào lại đi tôn sùng chính mình!"
  4. ^ Trần Thọ. Sách đã dẫn. Đến khi (Mật) tới, Ôn hỏi rằng: "Ngài có học chăng?" Mật nói: "Đồng tử cao năm xích còn có học huống chi tiểu nhân!" Ôn lại hỏi rằng: "Trời có đầu không?" Mật nói: "Có chứ." Ôn hỏi: "Ở phương nào?" Mật nói: "Ở phương tây. (Kinh) Thi nói: ‘Lại ngoảnh về tây’. Từ đó suy ra, đầu ở phương tây." Ôn nói: "Trời có tai không?" Mật đáp: "Trời trên cao mà nghe được dưới thấp. (Kinh) Thi nói: ‘Hạc kêu ở chín tầng cao, tiếng thấu đến trời.’ Nếu không có tai, sao lại nghe được?" Ôn nói: "Trời có chân chăng?" Mật nói: "Có. (Kinh) Thi nói: ‘Trời bước khó khăn, giống như trẻ thơ.’ Nếu không có chân sao lại bước được?" Ôn hỏi: "Trời có họ không?" Mật đáp: "Có." Ôn hỏi: "Họ gì?" Mật đáp: "Họ Lưu." Ôn hỏi: "Sao biết thế?" Mật đáp: "Thiên tử họ Lưu cho nên biết vậy." Ôn nói:" Mặt trời xuất hiện ở phương đông đúng chăng?" Mật đáp: "Tuy xuất hiện ở phương đông mà ẩn náu ở phương tây." (Mật) trả lời câu hỏi như tiếng vọng, theo thanh âm mà phát xuất, vì vậy Ôn rất kính phục. Lý luận văn chương của Mật đại loại đều như vậy.